Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Đại phúc bì chữa trướng bụng, phù thũng

Có tác dụng hành khí, lợi thủy, tiêu tích, đạo trệ. Trị bụng trướng đầy, tiêu chảy, chân sưng cước khí, tiểu tiện khó. Dùng sống trong trường hợp bụng trướng đầy, phù thũng, đạo trệ. Sao qua dùng trong trường hợp muốn an thai, bình vị. Liều dùng: 4 - 12g.

Đại phúc bì được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Hạ khí khoan trung: Dùng khi thấp làm trở ngại ruột, dạ dày, khí trệ trướng đầy.

Bài 1: Bột nhất gia giảm chính khí: đại phúc bì, hạnh nhân, thần khúc, mầm mạch mỗi vị 12g; hoắc hương chi 8g, hậu phác 8g, phục linh bì 16g, trần bì 6g, nhân trần 16g. Sắc uống.

Bài 2: Hoàng cầm hoạt thạch thang: hoàng cầm, hoạt thạch, phục linh bì, trư linh mỗi vị 12g; đại phúc bì 8g, thông thảo 6g bạch đậu khấu 6g (cho sau). Sắc uống. Chữa thấp nhiệt nung nấu phát sốt, mình nóng, ra mồ hôi đỡ sốt, sau đó lại sốt, rêu lưỡi vàng nhạt mà trơn, mạch hoãn.

Vỏ quả cau (đại phúc bì) tác dụng hành khí lợi thủy, tiêu tích, là vị thuốc trị đầy trướng bụng, thủy thũng chân sưng phù.

Vỏ quả cau (đại phúc bì) tác dụng hành khí lợi thủy, tiêu tích, là vị thuốc trị đầy trướng bụng, thủy thũng chân sưng phù.

Lợi niệu tiêu sưng: Dùng khi bụng phù to thuỷ thũng, tiểu tiện khó hoặc chân sưng phù.

Bài 1: Thuốc sắc ngũ bì: vỏ rễ dâu, vỏ quả cau, vỏ gừng mỗi vị 12g; trần bì 8g, phục linh bì 8g. Sắc uống. Chữa phù thũng, bụng trướng, tiểu tiện không lợi.

Bài 2: Ngũ bì tán: tang bạch bì, sinh khương bì, đại phúc bì, địa cốt bì, trần bì liều lượng bằng nhau. Tán bột, mỗi lần dùng 10 - 12g, uống với nước ấm. Tác dụng kiện tỳ, hóa thấp, lý khí tiêu phù. Trị viêm thận, viêm gan cổ trướng, mề đay.

Bài 3: Bột đại phúc bì: đại phúc bì, tang bạch bì, cau, lai phục tử, mộc qua mỗi vị 12g; hạt tía tô, kinh giới tuệ, chỉ xác, gừng sống, ô dược, trần bì mỗi vị 8g; trầm hương 2g. Sắc uống. Trị cước khí, chân sưng phù.

Bài 4: vỏ quả cau, vỏ quýt, vỏ rễ dâu, vỏ củ gừng mỗi loại 12g. Sắc uống trong ngày. Chữa phù thũng, bụng đầy trướng, khó thở, đái ít.

Kiêng kỵ: Người thể hư, khí nhược mà không có thấp nhiệt cấm dùng.

Lương y Thảo Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét